Thương hiệu được xây dựng từ những người lao động

Ông Vũ Anh Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long - đã cùng đoàn VĐV của LĐLĐ tỉnh đi ôtô gần 1 tuần mới tới Vĩnh Phúc. “Cũng nhân dịp này làm một... tour qua các tỉnh gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm” - ông Tuấn nói. Dù là người tham gia tích cực vào quá trình tổ chức vòng loại ở Vĩnh Long, ông Tuấn vẫn “choáng ngợp” với những gì diễn ra ở VCK tại Vĩnh Phúc. “Lễ khai mạc rất ấn tượng, chủ nhà Vĩnh Phúc đã xây dựng kịch bản chi tiết rất... khớp với thời gian phát sóng trên truyền hình Vĩnh Phúc và VTC. Cách tổ chức của họ rất đáng học tập. Cả giải, đoàn Vĩnh Long chỉ có 3 HCĐ, nhưng điều chúng tôi có được từ giải đấu này còn lớn hơn, ý nghĩa hơn nhiều” - ông Tuấn khẳng định.

Dù là một giải phong trào, nhưng tính chuyên nghiệp thể hiện ở những điều tưởng như rất nhỏ. Để có đội quân nhạc ấn tượng trong lễ khai mạc, BTC đã phải thuê đoàn quân nhạc từ Hà Nội lên phục vụ giải đấu.

 

 Các đôi thi đấu tại giải.

Nhà thi đấu (NTĐ) Vĩnh Phúc - một trong những nhà thi đấu đẹp nhất cả nước, từng là công trình trọng điểm phục vụ SEA Games 22 tổ chức tại VN năm 2003 - đã khiến những nhà tài trợ đồng hành cùng giải đấu rất hài lòng. Việc bố trí thảm đấu, ánh sáng, phục vụ điều hòa không khí và cách bài trí những bảng biển trong suốt quá trình diễn ra giải không chỉ thể hiện sự tôn trọng với nhà tài trợ, mà trên hết, chính là sự tôn trọng với các VĐV, với khán giả tới theo dõi.

“Mệt, rất mệt, nhưng mà cũng vui” - ông Lê Thanh Sang – Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông VN, người “cắm chốt” liên tục ở NTĐ Vĩnh Phúc - nói sau lễ bế mạc: “Tôi nghĩ vẫn còn một số điều cần rút kinh nghiệm, nhưng về cơ bản, chúng ta đã có một giải đấu thành công tốt đẹp cả về chuyên môn lẫn công tác tổ chức”.

Những điều đặc biệt của giải đấu

Ở nội dung đôi nam-nữ, có một cặp đặc biệt. Đó là cặp Nguyễn Văn Hưng - Vũ Ngọc Hà, đôi vợ chồng đến từ đoàn Thái Nguyên. Được biết, họ đều là cán bộ công đoàn khoa Thể chất - Quốc phòng của Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên. Sự ăn ý trong cuộc sống và trên thảm cầu lông đã khiến đôi vợ chồng này đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi ở khu vực và ngành GDĐT. Tại vòng loại, họ đã nhất nội dung đôi nam-nữ lứa tuổi 31-40. Tại VCK, đôi vợ chồng duy nhất của giải này chỉ giành được giải 3. “Nhưng đó là động lực để chúng tôi luyện tập chờ giải sau” - anh Hưng nói.

Sẽ không thể thành công nếu không có những “đầu tàu” kéo phong trào. Đó là những lãnh đạo của địa phương tham gia giải với tư cách là VĐV. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lai Châu Hoàng Ngọc Vinh từng đoạt HCV giải cầu lông CNVCLĐ năm 2004, cho đến giải này vẫn tiếp tục tham gia nhiệt tình và đoạt giải 3. Phó Chủ tịch LĐLĐ Lai Châu Phạm Thị The cũng là một tay vợt cừ của giải.

Phải có mặt ở NTĐ Vĩnh Phúc, cảm nhận sự cổ vũ nhiệt tình của CĐV mới hiểu tại sao các VĐV lại cố gắng tranh tài đến vậy. Có những VĐV vì cố gắng quá mức đã kiệt sức, chuột rút cứng chân, nhưng sau khi được chăm sóc, vẫn quyết tâm trở lại thảm đấu.

32/40 đoàn có huy chương đã chứng tỏ sự đồng đều về chất lượng giải đấu. Bắc Giang và Bắc Ninh đã chứng tỏ là những nơi có phong trào mạnh khi cùng đoạt cúp luân lưu, đều đoạt 3 HCV, 1 HCB trong tổng số 19 nội dung của giải.